Các phương pháp xử lý khí thải khác
Ngoài các phương pháp xử lý khí thải phổ biến như:
Hấp thụ là quá trình hút khí bằng chất lỏng, khí được hút gọi là chất bị hấp thụ, chất lỏng để hút gọi là dung môi (hay chất hấp thụ), khí không bị hấp thụ gọi là khí trơ.
Hấp phụ là quá trình hút các chất trên bề mặt các vật liệu xốp nhờ các lực bề mặt. Các vật liệu xốp được gọi là chất hấp phụ, chất bị hút gọi là chất bị hấp phụ.
Thiêu đốt là phương pháp sử dụng nhiệt độ cao kết hợp xúc tác để phân hủy các khí như hơi môi chất hữu cơ, khí khó hấp thụ, hấp phụ thành CO2 và các chất dễ xử lý.
Ta thường sử dụng thêm một số phương pháp sau:
1. Phương pháp ngưng tụ
Nguyên tắc của phương pháp ngưng tụ là dự trên sự hạ thấp nhiệt độ của hỗn hợp khí, hơi xuống dưới nhiệt độ điểm sương để ngưng tụ hỗn hợp khí lại.
Sau khi hỗn hợp khí, hơi được ngưng tụ, ta thu hồi và tiêu hủy, xử lý.
Lưu ý là ngưng tụ chỉ là quá trình thu gom khí, hơi lại để đưa đi xử lý bằng các phương pháp khác.
Phương pháp ngưng tụ thường sử dụng thiết bị trao đổi nhiệt kiểu ống chùm, ống lồng ống, ống xoắn…
Phương pháp ngưng tụ thường dùng để thu hồi hơi dung môi hữu cơ (VOC), hơi axit…có nồng độ tương đối cao(> 20g/m3)
2. Phương pháp xúc tác chọn lọc (SCR – Selective catalytic reduction)
Phương pháp xúc tác chọn lọc là việc sử dụng một số loại xúc tác đặc biệt để phản ứng với các chất khí độc.
Phương pháp SCR thường được sử dụng để xử lý khí thải của Nito – NOx bên trong thiết bị phản ứng.
Phương pháp xử lý khí thải NOx bằng công nghệ SCR áp dụng cho các nguồn khí thải có nhiệt độ cao như nhà máy nhiệt điện, lò nung xi măng, lò đốt…
3. Phương pháp chùm tia điện tử (Electron Beam Technology – EBT)
Với cơ chế chung khi chùm tia điện tử có vận tốc đủ lớn, gặp môi trường chứa hơi nước hoặc nước nó nhanh chóng tạo ra các gốc tự do radical.
Những radical này hoạt động rất mạnh và chúng có thể oxi hóa SOx và NOx. Các sản phẩm sau oxi hóa kết hợp nước thành các axit H2SO4 và HNO3.
Nếu trong môi trường có mặt NH3 thì sản phẩm phụ (NH4)2SO4 và NH4NO3 có thể được sử dụng làm phân bón v.v…
Việc chùm tia điện tử tác động vào các phân tử hữu cơ nó có thể thay đổi, phá vỡ cấu trúc mạch của phân tử hữu cơ đó và tác động trực tiếp lên vi sinh vật sống trong môi trường nên EBT có những ưu điểm riêng của mình trong xử lý chất thải khí và lỏng (thời gian xử lý nhanh, không cần hóa chất…).
Vì thế, đây là một công nghệ thân thiện với môi trường sinh thái, và cũng là ưu thế của EBT đối với việc xử lý khí, nước thải.
4. Phương pháp xử lý khí thải bằng tia UV
Tia UV (Ultraviolet) hay còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X.
Phổ của tia cực tím có thể chia ra thành 2 vùng tia:
+ Vùng tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 – 200nm)
+ Vùng tử ngoại xa hay còn gọi là vùng tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 – 10nm).
Tia UV này khi gặp Oxy trong không khí sẽ bẻ gãy liên kết của 2 phần tử Oxy, tạo thành một Oxy nguyên tử.
Nguyên tử Oxy tự do này sẽ kết hợp với phân tử Oxy (O2) trong không khí tạo thành Ozone (O3).
Ozone với tính khử mạnh sẽ phản ứng với các hơi dung môi hữu cơ (VOC) để tạo thành CO2 và H2O.
Tại Việt Nam phương pháp xử lý khí thải bằng tia UV được sử dụng để bổ sung cho phương pháp hấp thụ và hấp phụ.